Khử mùi hôi của nước và loại bỏ mùi tanh của nước

Khi nước có mùi hôi và mùi tanh là lúc cần được xử lý triệt để, vậy cách xử lý nước có mùi hôi và mùi tanh như thế nào?

Khử mùi nước bằng cách tăng cường quá trình keo tụ, lắng

Tùy thuộc vào loại mùi vị và đặc tính của nước thô, tăng cường keo tụ và lắng được áp dụng khi chất lượng nguồn nước thô thay đổi theo mùa, thay đổi về độ đục, hàm lượng chất hữu cơ, xuất hiện của rêu tảo … Bông cặn có khả năng hấp thu vi sinh, bào tử tảo và chất hữu cơ lắng xuống ở bể lắng và được giữ lại ở công đoạn lọc. Khi nguồn nước thô có nhiều chất hữu cơ, rong tảo phát triển và chết với số lượng lớn, việc tăng cường quá trình keo tụ là rất cần thiết đảm bảo cho việc loại trừ gần như hoàn toàn chất hữu cơ ở bể lắng giúp cho bể lọc hoạt động bình thường, chu kỳ lọc không bị rút ngắn.

Khử mùi vị bằng tăng cường keo tụ lắng là phương pháp được áp dụng cho nguồn nước thay đổi mùi vị trong một khoảng thời gian ngắn trong năm.

Khử mùi nước bằng phương pháp làm thoáng

Khi nước có mùi hôi như mùi trứng thối do sự tồn tại của khí hydro sunfua, hoặc có mùi tanh, hoặc xuất hiện các chất hữu cơ gây mùi dễ bay hơi thì áp dụng phương pháp làm thoáng là phù hợp. Làm thoáng là quá trình trộn lẫn không khí và nước với nhau theo cách: phun nước vào không khí hoặc bơm khí phân tán thành các bọt nhỏ vào nước.

Khử mùi hôi của nước do các hợp chất bị phân hủy yếm khí và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi thực chất là quá trình khử khí, bởi vì các khí cần khử có nồng độ trong không khí gần như bằng không còn nồng độ hòa tan của chúng trong nước lớn hơn nhiều nên chúng có xu hướng di chuyển từ nước vào không khí. Tỷ lệ gió trên nước càng lớn, lượng khí rời khỏi nước bay vào không khí càng lớn. Bằng cách tăng cường độ và thời gian làm thoáng lượng khí gây mùi khó chịu trong nước sẽ giảm đến mức không còn khả năng gây mùi.

Với nguồn nước có mùi tanh do nhiễm sắt mangan, làm thoáng là bước xử lý đầu tiên của quá trình xử lý khử sắt mangan trong nước giếng khoan. Thông qua quá trình làm thoáng oxy từ trong không khí được bổ sung vào nước, oxy trong không khí phản ứng với các ion sắt và mangan hóa trị II hòa tan trong nước thành các hợp chất của ion sắt hóa trị III và mangan hóa trị IV kết tủa và có thể loại bỏ ở công đoạn lắng và lọc sau đó.

Quá trình làm thoáng nước có thể được thực hiện theo 3 cách:

Cách 1: Bơm không khí vào dàn phân phối đặt ở đáy mương dẫn nước, các bọt khí phân tán nhỏ nổi lên đi qua dòng nước, nước được làm thoáng

Cách 2: Chia dòng nước thành các tia nhỏ phun vào không khí như dàn mưa, vòi phun mưa, máng tràn nhiều bậc

Cách 3: Chia dòng nước thành các tia cho chảy qua lớp vật liệu đỡ từ trên xuống còn gió thì thổi từ dưới lên, gió và nước đi ngược chiều

Cách 1: Dùng máy nén khí áp lực từ 0,5 – 1kg/cm2 bơm 1 lượng lớn không khí vào dàn ống có lắp các đĩa phân phối bằng cao su hoặc sành sứ đặt hai hàng dọc đáy mương hoặc kênh dẫn nước, chiều cao nước trong mương thường từ 1 – 2 m. Bọt nổi lên càng nhỏ và phân phối càn đều hiệu quả làm thoáng khí càng cao. Nhược điểm của hệ đĩa phân phối là đĩa có lỗ rất nhỏ cần áp lực khí lớn và trong mương cần đặt thêm các vách ngang, xiên tạo xoáy để xáo trộn dòng nước, tổn thất thủy lực qua mương lớn. Nếu dùng dàn ống khoan lỗ phi 2-3mm, nước được khuấy trộn tốt hơn, không cần tạo xoáy trong mương để khuấy trộn nhưng dàn ống phải đặt dày, lượng không khí cần nhiều hơn.

Phương pháp này hiện nay ít được áp dụng

Cách 2: Bơm nước lên dàn ống khoan lỗ, các tia nước ra khỏi lỗ phun thẳng vào không khí, cường độ thường từ 5 – 10m3/m2 tia nước rơi từ trên xuống đi qua dàn tung nước, tia bị đập nhỏ chảy xuống sàn tung thứ 2 rồi vào bể thu nước.

Cho nước vào máng nước tràn qua một bên mép máng xuống máng thứ hai lại tràn qua một bên mép máng xuống máng thứ ba … khoảng cách các mép máng tạo thành bậc tràn khoảng 0,3 – 0,5m.

Phương pháp làm thoáng này hiện được áp dụng tại các nhà máy xử lý nước ngầm để khử khí CO2 lấy oxy để oxy hóa khử sắt và mangan

Cách 3: Tháp làm thoáng cưỡng bức ( thùng kín có chứa lớp vật liệu để tăng diện tích tiếp xúc giữa nước và gió) Vật liệu tăng tiếp xúc có thể là các vòng nhựa hình trụ đường kính 1 – 3 cm cao 2-5 cm đổ thành khối chất trong thùng làm thoáng.

Nước theo ống trải đều trên sàn phân phối đục lỗ qua sàn phân phối nước chia thành tia nhỏ rơi xuống khối vật liệu đỡ, nước được chia thành màng mỏng đi quanh các vòng nhựa, màng nước được thay đổi bề mặt qua các lơp và tiếp xúc trực tiếp với không khí đi vào từ ống dẫn gió qua lưới phân phối đi ngược lên và xả ra ngoài qua các ống thu. Nước sau khi tiếp xúc với gió qua các màng mỏng với diện tích lớn làm cho các chất hữu cơ có khả năng bay hơi đi vào không khí thoát ra ngoài, còn nước đã được khử khí tập trung xuống đáy và theo ống đi vào bể lắng.

Tháp làm thoáng cao tải là thiết bị làm thoáng hiệu quả nhất và thường được áp dụng để khử mùi vị của nước có hàm lượng chất hữu cơ dễ bay hơi cao, và trong các hệ thống xử lý nước giếng khoan nhiễm sắt, mangan

xu ly nuoc gieng khoan