Thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng đối với cả người dân thành thị và nông thôn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước ngầm vẫn chưa được xử lý triệt để, còn quá nhiều nơi ngay cả các thành phố lớn người dân không có đủ nước sinh hoạt sạch để sử dụng.
Vậy đâu là quy trình cụ thể của một hệ thống xử lý nước sinh hoạt hoàn chỉnh đảm bảo nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước dùng cho sinh hoạt theo QCVN02-2009/BYT.
Tùy thuộc nguồn nước cấp là nước mặt hay nước ngầm cần bố trí công trình thu nước, dự trữ nước hợp lý đảm bảo cung cấp đủ nước cho thiết bị xử lý nước.
Đối với nước ngầm điều quan tâm đầu tiên là khoan giếng ở nơi có đủ lượng nước ngầm, bơm không để cho nước cuốn theo đất, cát.
Với nước mặt công trình thu nước cần phải đáp ứng tốt việc xử lý các rác lơ lửng trong nước.
Có thể phải xử lý sơ bộ nước bằng clo, hay bể lắng sơ bộ nhằm loại bỏ các chất hữu cơ, một phần các kim loại nặng.
Nước sau đó được tiến hành làm thoáng nhằm:
– Oxy hóa các ion sắt II
– Tăng hàm lượng oxy để cho nước dễ uống, chống các vi khuẩn kị khí và tránh ăn mòn ống dẫn kim loại bằng cách cho phép tạo ra một lớp bảo vệ
– Làm thoáng cũng loại bỏ các khí dư thừa như H2S, CO2… Khí CO2 làm cho nước có tính xâm thực, được khử bằng làm thoáng ở áp suất khí quyển. Mức độ khử cacbonic thay đổi tùy thuộc vào độ khoáng hóa của nước. Trong một số trường hợp chỉ cần khử một phần cacbonic là đủ vì phần còn lại để làm tăng khoáng chất của nước bằng các phản ứng với các chất trung hòa
Sau làm thoáng để loại bỏ các hạt cặn lơ lửng có kích thước nhỏ, các chất gây đục nước cần tiến hành làm trong nước. Thực chất của quá trình làm trong nước là sử dụng các chất trợ lắng, chất trợ keo tụ nhằm kết dính các hạt keo có kích thước rất nhỏ thành các hạt cặn có kích thước lớn hơn có thể loại bỏ dễ dàng nhờ quá trình lắng và lọc nước.
Lọc qua bình lọc áp lực có chứa vật liệu lọc hay qua bể lọc tham gia rất ít vào loại bỏ các chất hữu cơ, khi lọc sau lắng hay tuyển nổi. Quá trình lọc cho phép loại bỏ các bông cặn còn lại cũng như các chất hữu cơ hấp phụ trên mặt bông cặn ( lọc cơ học). Tỷ lệ phần trăm loại bỏ khoảng từ 5 -10% ( so với nước thô).
Công đoạn lọc còn gồm cả lọc hấp phụ. Hấp phụ là cách xử lý đặc biệt hiệu quả để loại bỏ chất hữu cơ. Than hoạt tính là loại vật liệu được sử dụng phổ biến để hấp phụ các chất hữu cơ.
Khử trùng là giai đoạn cuối cùng của thiết bị xử lý nước sinh hoạt trước khi cấp đến người dùng. Nó cho phép loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh trong nước.
Khử trùng nước gồm 2 giai đoạn quan trọng tương ứng với tác dụng khác nhau của hóa chất khử trùng. Đó là tác dụng diệt vi khuẩn và tác dụng lưu giữ các chất khử trùng( tác dụng khử trung duy trì trong mạng ống dẫn cho phép bảo đảm chất lượng vi khuẩn của nước, tác dụng diệt vi khuẩn chống lại sự hồi sinh của các vi khuẩn đồng thời có tác dụng diệt vi khuẩn xâm nhập vào khi nước được đưa đến người dùng qua đường ống dẫn)