• Độ đục là gì, nguyên nhân gây ra độ đục và đơn vị đo độ đục

Độ đục là một đặc tính vật lý chính của nước và là một biểu hiện của các tính chất quang học làm cho ánh sáng bị tán xạ và hấp thụ bởi các hạt và các phân tử.

Nguyên nhân gây độ đục là do các chất lơ lửng hoặc các tạp chất có trong nước , các tạp chất có thể bao gồm đất sét, bùn, vô cơ, chất hữu cơ, các hợp chất hữu cơ có màu hòa tan, sinh vật phù du, và các sinh vật nhỏ khác.

Nguồn gây ra độ đục của nước:

–          Chất thải từ sinh hoạt, sản xuất

–          Tảo, cỏ dại phát triển tại các sông ngòi, hồ chứa, hồ

–          Axit humic và các hợp chất hữu cơ khác do sự phân hủy của thực vật như lá, thân cây.. trong nguồn nước

–          Nồng độ sắt cao, tạo ra màu nâu đỏ

–          Các vi khuẩn có trong nước và đường ống cấp nước

–          Sự thay đổi mực nước trong giếng có thể làm cho nước trở nên đục

Đơn vị độ đục thường là mg SiO2/l, NTU, FTU ( đơn vị NTU và FTU tương đương nhau)

  • Tầm quan trọng của độ đục đối với sức khỏe con người

Độ đục cao trong nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì độ đục có thể cung cấp thức ăn và là nơi trú ẩn của các mầm bệnh. Nếu không được loại bỏ độ đục có thể thúc đẩy sự tái phát triển của tác nhân gây bệnh trong hệ thông cấp nước dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh.

Trên thực tế độ đục không phải là một chỉ số trực tiếp gây nguy cơ đến sức khỏe con người, nhưng rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy mối quan hệ mạnh mẽ giữa việc loại bỏ các chất bẩn và loại bỏ các yếu tố vi sinh trong nước.

Các hạt cặn gây đục nước có thể là nơi trú ẩn cho vi khuẩn khi được khử trùng.

Khi độ đục trong nước thấp có thể sẽ tương quan với số lượng vi khuẩn, vi trùng, virus thấp hơn so với nước có độ đục cao.

  • Cách xử lý nước bị đục:

+Sử dụng hóa chất keo tụ để thực hiện quá trình keo tụ, tạo bông:

Về cơ bản keo tụ, tạo bông là quá trình sử dụng các hóa chất trợ keo tụ có tác nhân dính kết các hạt keo có kích thước rất nhỏ trong nước thành các hạt có kích thước lớn hơn có thể loại bỏ được nhờ quá trình lắng và lọc hoặc có thể dính kết trên bề mặt lớp vật liệu lọc.

Khi trộn đều hóa chất keo tụ với nước lập tức xảy ra các phản ứng hóa học và lý hóa tạo thành hệ keo dương phân tán đều trong nước. Khi được trung hòa, các hệ keo dương là các hạt nhân có khả năng dính kết với các keo âm phân tán trong nước và dính kết với nhau để tạo thành các bông cặn. Quá trình tạo nhân dính kết được gọi là quá trình keo tụ, còn quá trình dính kết cặn bẩn và nhân keo tụ gọi là quá trình phản ứng tạo bông cặn

Hiệu quả của quá trình keo tụ phụ thuộc vào: Điều kiện khuấy trộn, nhiệt độ nước, PH của nước, độ kiềm của nước

Hiệu quả của quá trình tạo bông cặn phụ thuộc vào: Cường độ và thời gian khuấy trộn để các nhân keo tụ và cặn bẩn va chạm và dính kết vào nhau, độ đục của nước thô và nồng độ cặn đã được dính kết từ trước

+ Chứa nước đã được tạo bông tại các bể lắng:

Thực chất lắng là quá trình làm giảm hàm lượng cặn lơ lửng trong nước nguồn.

Các biện pháp để lắng gồm:

Lắng tại các bể lắng: Các hạt cặn có tỷ trọng lớn hơn nước sẽ lắng xuống bể

Lắng bằng lực ly tâm tác dụng vào hạt cặn

Lắng bằng lực đẩy nổi do các bọt khí dính bám vào hạt cặn ở các bể tuyển nổi.

Cùng với lắng cặn, quá trình lắng còn làm giảm 90 -95% vi trùng có trong nước do vi trùng luôn bị hấp phụ và dính bám vào các hạt bông cặn trong quá trình lắng

+ Lọc:

Lọc là quá trình giữ lại các hạt cặn còn sót lại trong nước sau khi đã trải qua quá trình keo tụ, tạo bông, và lắng. Quá trình lọc còn giữ lại các hạt keo có kích thước nhỏ hơn lỗ rỗng của lớp vật liệu lọc nhưng nó có khả năng dính kết trên bề mặt các vật liệu lọc.

Kích thước của các hạt vật lọc, loại vật liệu lọc được sử dụng là rất quan trọng, có thể được coi là yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình lọc.

Các vật liệu lọc sử dụng trong quá trình lọc bao gồm: cát lọc nước, sỏi lọc nước, cát mangan, than hoạt tính.

Tất cả các yếu tố gây độ đục cho nước còn lại sẽ được hấp phụ, hấp thụ, dính kết  loại bỏ tại các lớp vật liệu này.

Tùy thuộc vào độ đục của nước, hàm lượng các kim loại nặng, các hợp chất có trong nước mà lựa chọn các loại thiết bị lọc khác nhau. Về cơ bản có thể phân thành 3 loại chính:  lọc chậm, lọc áp lực. lọc ngược thẩm thẩu

 

Thiết bị lọc nước giếng khoan